Hỗ trợ trực tuyến
Thuyết minh quy trình lắp đặt và phương án thi công
30/05/2015A. QUY TRÌNH LẮP ĐẶT VÀ PHƯƠNG ÁN THI CÔNG MÁY ĐIỀU HOÀ KHÔNG KHÍ
1. Quy trình lắp đặt
1.1. Công tác chuẩn bị :
- Căn cứ vào hồ sơ kỹ thuật (thuyết minh yêu cầu và bản vẽ chi tiết) bộ phận kỹ thuật công trình lập tiến độ thực hiện.
- Lập dự toán đề nghị cung cấp thiết bị, vật tư chi tiết gửi bộ phận vật tư trình duyệt cung cấp kịp thời theo tiến độ.
- Trước khi nhập vật tư vào chế tạo phải báo cáo phòng kỹ thuật, giám sát chất lượng vật tư đáp ứng đúng và đủ các tiêu chí mới nhập vào xưởng cho chế tạo.
- Trong suốt quá trình sản xuất gia công các mục yêu cầu đảm bảo qui cách phải được giám sát liên tục và kiểm tra sản phẩm, các chi tiết vào cuối ngày.
1.2. Yêu cầu đối với phòng kỹ thuật :
- Nghiên cứu kỹ bản vẽ kỹ thuật và yêu cầu của chủ đầu tư, đưa ra biện pháp và các bước thi công tối phổ biến trước và nhận phản hồi từ bộ phận thi công, phòng vật tư góp ý điều chỉnh (nếu có).
- Vẽ lại chi tiết các tiêu chuẩn cần thi công đúng và đảm bảo kỹ thuật nếu bản vẽ dự thầu chua rõ.
- Thường xuyên theo dõi, kiểm tra kỹ thuật, tiến độ trong suốt quá trình thi công, kịp thời điều chỉnh khi có sự sai sót do nhầm lẫn hoặc không phù hợp trong quá trình thi công.
- Nghiệm thu tĩnh và kiểm tra các sản phẩm hoàn thành trước khi kiểm định thử áp lực hoặc sơn phủ.
1.3. Yêu cầu của bộ phận cung cấp vật tư:
- Nghiên cứu kỹ các thông số kỹ thuật chủ yếu các vật tư yêu cầu trước khi đề nghị duyệt cung cấp.
- Ghi chép cẩn thận và đầy đủ các thông số, xuất xứ trước khi bàn giao đưa vào thi công.
- Thường xuyên cập nhập các thiếp bị, vật tư về giá cả các hãng thay đổi và khả năng cung ứng trong nước để báo cáo kịp thời nếu có sự thay đổi.
- Kiểm tra tồn kho hằng tuần với các chi tiết nhỏ dễ vận chuyển và thống kê khối lượng khi xuất nhập hoặc giao ca đầy đủ.
1.4. Yêu cầu với phòng công trình – các tổ sản xuất.
- Nghiên cứu kỹ các yêu cầu kỹ thuật, nguyên lý, chi tiết cần chế tạo và các bản vẽ lắp ghép do phòng kỹ thuật cung cấp, xác nhận đảm bảo tính đảm bảo thi công trước khi ký xác nhận và đưa vào sản xuất (Nếu có phát hiện nghi hoặc nghi ngờ sai sót cần báo cáo ngay cho phòng kỹ thuật cùng thay đổi).
- Lên kế hoạch nhân sự và bố trí hợp lý lực lượng thi công đảm bảo yêu cầu với các sản phẩm chịu trách nhiệm gia công, chế tạo và lắp đặt.
- Tuyệt đối tuân thũ các yêu cầu kỹ thuật, an toàn lao động trong suốt quá trình thi công.
- Thường xuyên giám sát, kịp thời điều chỉnh các bất hợp lý, theo dõi các biện pháp thi công, không ngừng cải tiến công cụ, biện pháp và kỹ thuật thi công đảm bảo tính đảm bảo, thẩm mỹ và hiệu quả (bất kỹ sự sáng kiến cải tiến nào của công nhân viên có hiệu quả sẽ được Ban lãnh đạo công ty xem xét và khen thưởng, khuyến khích kịp thời).
- Viết báo cáo tiến độ công việc hằng ngày và các đề xuất nếu có.
2. TRƯỚC KHI TIẾN HÀNH THI CÔNG
- Lập bản vẽ thiết kế kỹ thuật thi công chi tiết cho từng phần công việc, lên kế hoạch triển khai cụ thể từng phần và trao đổi với ban quản lý công trình để phối hợp triển khai. Liên hệ với ban quản lý công trình chuẩn bị phương tiện, kho bãi để tập kết hàng hoá và vật tư.
- Theo lịch trình trong bảng tiến độ thi công đã trao đổi cụ thể với ban quản lý công trình tiến hành triển khai tập kết các máy móc, công cụ, thiết bị thi công, các vật tư đến chân công trình.
- Lắp đặt các vách che chắn tạm thời (vách che bạt di động) cách ly khu vực thi công và khu vực hoạt động của hệ thống các thiết bị để chuẩn bị tiến hành các công tác thi công từng phần theo kế hoạch được thống nhất nhằm không làm ảnh hưởng đến các khu vực xung quanh. Thi công theo phương pháp cuốn chiếu, thi công dứt điểm từng khu vực và từng hệ thống để đảm bảo duy trì hoạt động thường xuyên của hệ thống. Sau mỗi ngày thi công toàn bộ các dụng cụ và thiết bị thi công phải được thu dọn vào đúng nơi quy định và tiến hành vệ sinh công nghiệp sạch để đảm bảo vệ sinh cũng như mỹ quan công trình.
2.1. Các bước tiếp theo
1. Tiến hành khảo sát thực tế trước khi thi công.
2. Lấy dấu vị trí lắp đặt máy, vị trí các tuyến ống gió, ống dẫn gas chính, vị trí nguồn điện cấp cho các máy điều hoà. Khi xác định phải bao quát hết tất cả các trường hợp để định vị được vị trí tối ưu nhất mới tiến hành thi công lắp đặt. Các công việc này phải do các cán bộ kỹ thuật có nhiều kinh nghiệm thực hiện và nếu có sự thay đổi so với thiết kế thì phải bàn bạc và phải được sự nhất trí của chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát rồi mới tiến hành thi công.
3. Căn cứ vào các vị trí đã được vạch dấu tiến hành lắp đặt các giá đỡ, giá treo, kiểm tra tải trọng của các giá treo, giá đỡ này.
4. Lắp đặt các đường ống nước, ống gió và thử áp lực .
5. Gia công, chế tạo các đường ống gió.
6. Lắp đặt các đường điện chính.
7. Lắp đặt các thiết bị.
8. Kết nối các đường ống nước, đường ống gió.
9. Thử áp lực toàn bộ hệ thống.
10. Bọc cách nhiệt, cách âm các tuyến ông gió.
11. Đấu nối điện.
12. Hoà thiện hệ thống.
13. Hiệu chỉnh, cân chỉnh hệ thống.
14. Vận hành, chạy thử.
15. Chuyển giao công nghệ, hướng dẫn vận hành, sử dụng.
16. Tiến hành bàn giao toàn bộ hệ thống.
2.2 Vệ sinh công nghiệp
Quá trình thay thế lắp đặt làm theo phương án cuốn chiếu, làm khu vực nào dứt điểm khu vực đó. Trong quá trình lắp đặt, thường xuyên phải tiến hành vệ sinh công nghiệp các khu vực thi công để đảm bảo an toàn vệ sinh. Sau khi lắp đặt hoàn chỉnh hiệu chỉnh và chạy thử toàn bộ hệ thống tiến hành tổng vệ sinh toàn bộ công trình để chuẩn bị công tác đo đạc, chuyển giao công nghệ và bàn giao nghiệm thu.
Kiểm tra đo đạc các thông số của toàn bộ hệ thống, hướng dẫn chuyển giao công nghệ kỹ thuật và tiến hành nghiệm thu tổng thể công trình.
Các thủ tục tiến hành trước khi vào thi công
- Nhận bàn giao mặt bằng, thống nhất kế hoạch triển khai công việc với Ban quản lý công trình.
- Chuẩn bị kho vật tư, thiết bị thi công và công tác bảo vệ.
- Mở nhật ký công trình.
- Tập trung cán bộ, công nhân tham gia thi công để phổ biến kế hoạch thi công và học an toàn lao động, nội quy công trường.
- Tập kết vật tư theo kế hoạch cho các hạng mục công việc.
- Triển khai các công việc thi công.
Việc lắp đặt hệ thống điều hoà không khí được tuân thủ theo đúng các tiêu chuẩn lắp đặt hệ thống điều hoà không khí và xây dựng hiện hành trong nước và các tiêu chuẩn xây lắp khác có liên quan. Tất các công việc lăp đặt, thi công phải dựa trên cơ sở các bản vẽ thiết kế thi công chi tiết được xác định thực tế hiện trường và được sự đồng ý của Ban quản lý công trình. Biện pháp triển khai cụ thể như sau :
3. PHƯƠNG ÁN THI CÔNG LẮP ĐẶT MÁY ĐIỀU HOÀ NHIỆT ĐỘ
Trình tự công việc
3.1. Tập kết thiết bị trước khi vận chuyển:
- Kiểm tra lại tình trạng máy và các phần vật tư đi kèm (ống đồng, ống nước ngưng, hệ thống dây điện, tài liệu, giấy bảo hành, hướng dẫn sử dụng…) trước khi nhận máy và chuyển đến khu vực giao hàng từ nhà cung cấp thiết bị.
- Khi thiết bị được tập kết tại chân công trình và được xác nhận kiểm tra, giám định khẳng định tính phù hợp của hàng hoá đối với hợp đồng của bên Mời thầu, mới tiến hành các bước thi công. Trước khi đưa thiết bị mới vào lắp đặt phải kiểm tra kỹ các chức năng cơ bản để đảm bảo thiết bị hoạt động được trước khi đưa vào lắp đặt.
3.2 Di chuyển máy đến khu vực công trình
Sau khi được bên mời thầu kiểm tra mới tiến hành vận chuyển các thiết bị đến từng vị trí lắp đặt cụ thể theo yêu cầu bên mời thầu bằng các phương tiện vận chuyển chuyên dụng. Khi di chuyển các thiết bị đến các khu vực khó di chuyển nếu cần thiết thì chúng ta có thể tháo rời các cụm máy, các chi tiết lắp ghép để di chuyển tập kết đến khu vực thi công.
3.3 Biện pháp kỹ thuật thi công công trình
Công tác lấy dấu và gia công chi tiết, Tiến hành xác định vị trí chạy đường ống dẫn gas cho hệ thống điều hoà để lấy dấu, xác định chính xác vị trí các chi tiết sẽ lắp ráp, vị trí trục các đoạn ống dựa trên bản vẽ thiết kế và thực tế kết cấu của công trình. Sau khi có vị trí của các đường ống hay thiết bị, kết hợp với bản vẽ thiết kế thi công chi tiết ta tiến hành vạch tuyến và ghi kích thước của thiết bị, các đường ống gas,... đánh dấu các điểm phân nhánh, côn cút.., các vị trí cần lắp giá đỡ, giá treo... để công việc lắp đặt được tiến hành nhanh nhất, ít ảnh hưởng nhất tới sự hoạt động của công trình.
Các giá treo và giá đỡ được liên kết với kết cấu xây dựng bằng các bản mã, êcu, long đen và các ty treo ren, tất cả hệ thống đường ống gas, giá đỡ, lỗ bắt bu lông, đã được gia công, khoan và hàn sẵn tại nơi sản xuất trước khi đưa đến công trình. Khoảng cách giữa các giá treo và giá đỡ tuân theo yêu cầu kỹ thuật thực tế trên cơ sở tiêu chuẩn SMACNA. Tất cả các giá treo, giá đỡ đều phải được sơn chống gỉ và sơn màu trước khi lắp đặt.
3.4 Lắp đặt thiết bị điều hoà không khí
a. Công tác lắp đặt, chạy đường ống dẫn gas và các phụ kiện
Trình tự thi công theo phương pháp cuốn chiếu và được thực hiện như sau :
- Lắp đặt giá treo, giá đỡ cho các đường ống gas và các phụ kiện. Tất cả các giá treo đỡ được lắp ghép vào các kết cấu công trình bằng bu long ốc vít.
- Căn chỉnh hoàn thiện đường ống (điều chỉnh các giá đỡ, kiểm tra độ kín của các ống dẫn gas, bảo ôn tăng cường tại các điểm ghép nối...).
- Kiểm tra, hoàn thiện toàn bộ hệ thống đường dẫn gas .
- Cẩu các giàn nóng vào các vị trí cần lắp đặt.
- Lắp đặt hệ thống giàn nóng tại các vị trí đã được đinh vị, là làm sẵn bệ máy.
- Lắp các giàn lạnh vào các vị trí đã được treo giá theo như bản vẽ thi công.
- Nối các đường ống dẫn gas vào các giàn lạnh và giàn nóng theo đúng yêu cầu kỹ thuật.
- Căn chỉnh và lắp các đệm cao su chống rung cho hệ thống máy điều hoà không khí.
- Căn chỉnh lấy thăng bằng cho thiết bị bằng thuỷ chuẩn và xiết hoặc nới các bulông chân thiết bị. Đảm bảo độ chính xác đạt tiêu chuẩn <1/1000.
- Đấu tiếp đất, sau đó đấu điện 3 pha vào máy và xác định đúng chiều quay.
b. Công tác gia công, lắp đặt đường ống nước ngưng
Trình tự thi công như sau:
- Gia công giá treo, giá đỡ sau khi lấy dấu.
- Lắp đặt giá treo, giá đỡ.
- Lắp đặt ống nhựa PVC (chú ý lấy thuỷ chuẩn để tạo được độ dốc tối thiểu 1/100 cho ống nằm ngang) thải nước ngưng và phụ tùng kèm theo (côn, cút, tê...). Bố trí một số vị trí lắp ống thoát hơi lên trần có bịt lưới chống côn trùng.
- Tại các vị trí trục chính thoát nước ngưng bố trí các xiphông để tránh hơi độc, khí ô nhiễm từ phía dưới theo đường ống đi vào các phòng.
- Tiến hành thử kín sau khi lắp đặt xong (vệ sinh ống trước khi thử). Nối đường ống vào các khay hứng nước ngưng.
- Hoàn thiện chèn trát lỗ thi công.
3.5 Lắp đặt thiết bị hệ thống kênh dẫn gió
Trình tự thi công theo phương pháp cuốn chiếu và được thực hiện như sau :
- Lắp đặt giá treo, giá đỡ cho các đường ống gió và các phụ kiện. Tất cả các giá treo đỡ được lắp ghép vào các kết cấu công trình bằng bu long ốc vít.
- Lắp đặt các tuyến ống gió có bảo ôn hay không cần boả ôn vào vị trí lắp đặt đã xác định theo đúng yêu cầu bản vẽ thi công và phụ tùng kèm theo (côn, cút, tê...).
- Căn chỉnh hoàn thiện đường ống (điều chỉnh các giá đỡ, kiểm tra độ kín của các ống dẫn, bảo ôn tăng cường tại các điểm ghép nối...).
- Kiểm tra, hoàn thiện toàn bộ hệ thống đường dẫn.
- Lắp đặt hệ thống quạt gió thải và gió cấp tại các vị trí cần lắp đặt.
- Lắp các hệ thống phụ kiện xung quanh vào các vị trí theo như bản vẽ thi công.
- Nối các đường ống dẫn gió vào các hệ thống quạt theo đúng yêu cầu kỹ thuật.
- Tiến hành thử kín sau khi lắp đặt xong.
- Hoàn thiện chèn trát lỗ thi công.
3.6. Lắp đặt điện
Nghiệm thu kỹ thuật hoàn thiện tuyến dây trước khi đấu nối vào tủ điện tổng và thiết bị, các bộ điều khiển.
Điện lắp tại tủ điện tổng gồm hai phần chính là hệ thống điện động lực cho tổ máy lạnh và hệ thống điện điều khiển nối với các thiết bị điều khiển trung tâm. Trình tự thi công như sau:
- Phần chính của tủ điện sẽ lắp đặt, đo đạc, kiểm tra tại xưởng. Các đầu dây nối phải ép đầu cốt, đánh số cụ thể và có bản vẽ lắp đặt chi tiết. Tủ điện tổng phải được phối hợp với Ban quản lý để lắp đặt vào thời điểm hợp lý trước khi lắp đặt các máy lạnh.
- Thi công lắp đặt máng cáp, máng đỡ dây sau khi đã đo đạc, lấy dấu.
- Tiến hành đi cáp động lực từ tủ đến các thiết bị.
- Kiểm tra các thông số điện áp cấp vào hệ thống thiết bị.
-Tiến hành kiểm tra lại toàn bộ hệ thống (ống gió, hệ thống điện động lực...) trong trạng thái các thiết bị sẵn sàng hoạt động đưa vào nghiệm thu bàn giao sử dụng.
Chú ý: Tất cả các điểm đấu sẽ được đấu chắc chắn bằng cầu đấu và sử dụng đầu cốt có đánh số. Khi kiểm tra xong toàn bộ mới được phép đấu điện nguồn vào các aptomát.
4. Vận hành chạy thử, nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng:
- Trước khi tiến hành chạy thử máy chúng ta cần phải kiểm tra lại các bộ phận.
- Tiến hành vận hành chạy thử hệ thống theo yêu cầu của chủ đầu tư, chuyển giao công nghệ hướng dẩn sử dụng vận hành.
- Chuẩn bị giấy tờ nghiệm thu và bàn giao.
- Sau khi tiến hành chạy thử chuyển giao công nghệ. Hai bên nhất trí đi đến tiến hành nghiệm thu bàn giao toàn bộ hệ thống thiết bị cho chủ đầu tư đưa vào sử dụng.
Để tiến hành thi công hệ thống nhanh, đảm bảo an toàn cũng như đáp ứng tiến độ đề ra theo yêu cầu, vấn đề trang thiết bị phục vụ thi công cũng rất cần thiết. Ở đây chúng tôi sẽ huy động đầy đủ các máy móc thiết bị của công ty cũng như một số máy móc chuyên dụng thuê nhằm đảm bảo hiệu quả và chất lượng thi công công trình tốt và hiệu quả cao nhất.
B. QUY TRÌNH LẮP ĐẶT VÀ BIỆN PHÁP THI CÔNG MÁY PHÁT ĐIỆN
1. Quy trình lắp đặt
1.1. Sau khi có thông báo trúng thầu sẽ tiến hành :
- Khảo sát & lập bản vẽ lắp đặt thiết bị.
- Lập kế hoạch chi tiết về việc cung cấp và lắp đặt thiết bị.
1.2. Sau khi ký hợp đồng sẽ tiến hành chuẩn bị vật tư hàng hoá :
- Chuẩn bị máy phát điện.
- Lắp ráp vỏ giảm âm.
- Nạp điện bình Accu.
- Kiểm tra các chi tiết bên ngoài của máy phát điện.
- Kiểm tra tài liệu kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng và các phụ kiện kèm theo máy.
- Kiểm tra các công cụ, dụng cụ sử dụng để lắp đặt.
- Kiểm tra các thiết bị đo.
- Vật tư dùng để lắp đặt (dây cáp điện và vật tư phụ,….)
- Thông báo cho chủ đầu tư lịch giao hàng và lắp đặt thiết bị trước 07 ngày.
1.3. Chuẩn bị hồ sơ :
- Hợp đồng bán hàng, hợp đồng vận chuyển.
- Hoá đơn xuất kho (VAT).
- Mẫu biên bản nghiệm thu bàn giao thiết bị.
- Mẫu biên bản thử tải.
1.4. Dùng xe cẩu và xe chuyên dụng vận chuyển thiết bị từ kho đến công trình và đưa máy phát điện vào vị trí lắp đặt quy định.
1.5. Khởi động máy phát điện :
Thử tải bằng thiết bị thử tải sử dụng điện trở thuần theo lịch :
- Chế độ 75% tải
- Chế độ 100% tải
- Chế độ quá tải 10% công suất máy chào thầu
Kiểm tra thông số kỹ thuật trong quá trình thử tải :
- Các thông số hiển thị trên bảng điều khiển máy phát :
+ Điện áp
+ Tần số
+ Cường độ dòng điện
+ Áp lực nhớt
+ Tốc độ vòng quay của động cơ
+ Cường độ dòng điện sạc bình Accu
+ …và các thông số khác
- Hệ thống giảm chấn.
- Hoạt động của quạt gió giải nhiệt.
- Độ ồn của máy phát điện khi không tải và có tải
- Nhiệt độ bên trong của máy phát.
1.6. Tiến hành công tác lắp đặt :
- Đưa máy vào vị trí, định vị và cố định máy phát điện
- Lắp đặt hệ thống cáp điện động lực.
- Đấu nối cáp động lực vào máy phát – Tủ phân phối điện chính
1.7. Vận hành hệ thống :
- Khởi động toàn bộ phụ tải hiện có trong hệ thống để kiểm tra mức độ tương thích của thiết bị với phụ tải :
+ Công suất
+ Điện áp
+ Cường độ dòng điện.
+ Tần số
- Kiểm tra độ an toàn cho người vận hành : dòng điện rò của máy phát.
1.8. Hiệu chỉnh :
Trong quá trình kiểm tra sẽ ghi nhận kết quả kiểm tra các thông số kỹ thuật và đồng thời tiến hành hiệu chỉnh các điểm chưa phù hợp để thiết bị tương thích hoàn toàn với phụ tải hiện có của hệ thống, đảm bảo thiết bị hoạt động ổn định và bền bỉ.
1.9. Hướng dẫn vận hành thiết bị.
1.10. Lập biên bản nghiệm thu và bàn giao thiết bị
2. Biện pháp thi công máy phát điện
2.1. Vận chuyển và bảo quản tốt vật tư thiết bị:
- Bọc, lót và kê chắc chắn các thiết bị, vật tư trong quá trình vận chuyển để tránh không bị hư hỏng, xây xát, móp méo thiết bị.
- Sắp xếp vật tư gọn gàng, phân loại, có bao che chắc chắn không bị mưa gió, bụi bẩn gây rỉ sét hoặc ẩm ướt.
2.2. Thiết bị thi công:
Sử dụng các thiết bị thi công chuyên dụng, chất lượng tốt phục vụ thi công công trình (xem thiết bị thi công)
2.3. Quy chuẩn lắp đặt:
Áp dụng các qui chuẩn tiên tiến trong thi công lắp đặt, tuân thủ theo thiết kế công trình
2.4. Tổ chức tốt mặt bằng thi công:
- Phân việc và cung cấp vật tư đủ để thi công trong ngày, tránh sự chồng chéo trong thi công
- Sắp xếp vật tư gọn gang, ngăn nắp
- Hạn chế các công việc thi công trên cao bằng cách tổ hợp sẵn các cụm chi tiết ở dưới sau đó mới đưa lên lắp
- Các chi tiết và phụ kiện được đánh số theo bản vẽ thi công để khi lắp không gây nhầm lẫn
2.5. Phối hợp các đơn vị:
Phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu khác (nếu có) để thi công không ảnh hưởng đến kiến trúc và tiến độ công trình.
3. Biện pháp quản lý đảm bảo chất lượng công trình
Chất lượng công trình được đảm bảo trên cơ sở thực hiện các biện pháp sau:
3.1. Tổ chức tốt công việc thiết kế thi công:
- Khảo sát hiện trường chi tiết
- Thi công theo thiết kế và đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật
3.2. Đảm bảo chất lượng thiết bị và kỹ thuật lắp đặt:
- Lựa chọn thiết bị đúng yêu cầu hồ sơ kỹ thuật
- Sử dụng thiết bị của các nhà sản xuất có uy tín, chất lượng cao
- Tuân thủ nghiêm ngặt các qui định về kiểm tra chất lượng
- Lắp đặt, vận hành theo đúng qui trình kỹ thuật
3.3. Đảm bảo chất lượng phần thi công lắp đặt:
- Vật tư sử dụng trong công trình đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật qui định trong hồ sơ
- Áp dụng các qui chuẩn tiên tiến trong công tác chế tạo lắp đặt
- Có cán bộ chuyên trách giám sát chất lượng thi công
3.4. Tổ chức công tác giám sát:
- Giám sát chặt chẽ trong quá trình thiết kế thi công, đảm bảo độ chính xác, tính khả thi cao phù hợp với kiến trúc công trình
- Giám sát kỹ thuật lắp đặt tại hiện trường
- Giám sát quá trình chạy thử
3.5. Tổ chức nhân sự:
- Sử dụng đội ngũ quản lý và kỹ thuật giỏi, có kinh nghiệm trong việc thi công lắp đặt thực tế.
- Công nhân thi công công trình có tay nghề cao, có kỷ luật.
Đà Nẵng, ngày 10 tháng 04 năm 2015
CÔNG TY CP XÂY LẮP KỸ THUẬT CHK (TECHBICO)